Có nên bỏ một khoản phí để thuê môi giới nhà đất hay không? Đây là câu hỏi của nhiều người mua và thuê nhà. Vậy câu trả lời là gì?
Nhiều người mua nhà không muốn mất một khoản phí cho môi giới nhưng với tài sản lớn như bất động sản, việc thông qua môi giới được nhiều người đánh giá là được nhiều hơn mất. Điều quan trọng là mọi thoả thuận với môi giới cần được làm sáng tỏ nhất trước khi giao dịch.
4 mẹo “đánh nhanh, thắng nhanh” khi mua nhà
Cảnh giác với môi giới không chuyên: Một trong những rủi ro khi mua nhà qua môi giới chính là gặp phải môi giới “dởm”. Số lượng môi giới trên thị trường hiện nay rất lớn, gồm cả môi giới chuyên nghiệp và môi giới không chuyên. Người mua nhà nên liên hệ với những môi giới chuyên nghiệp để đảm bảo thông tin được nhận là chính xác, không bị lừa đảo.
Trao đổi cụ thể nhất về các tiêu chí: Để rút ngắn thời gian mua nhà, bạn nên lập danh sách toàn bộ các tiêu chí của ngôi nhà như vị trí, diện tích, hướng nhà, chiều rộng mặt tiền, phong cách thiết kế, nội thất… và sắp xếp theo mức độ quan trọng sau đó trao đổi rõ ràng với môi giới.
Không liều lĩnh vượt quá xa khoảng ngân sách ban đầu: Nhiều trường hợp môi giới sẽ đưa ra gợi ý về những căn nhà có giá chênh lên khoảng vài trăm triệu so với mức giá bạn yêu cầu để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng và chỉ nên du di trong tầm giá kiểm soát được. Suy nghĩ cố vay mượn thêm một chút sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi trả.
Chủ động kiểm chứng thông tin: Người mua không nên phụ thuộc quá nhiều vào môi giới mà cần tự mình kiểm chứng lại thông tin, đặc biệt là các thông tin về pháp lý. Đã có nhiều trường hợp phải trả giá cao hơn thực tế do môi giới cố tình đẩy giá lên cao để ăn chênh lệch.
Được gì khi mua nhà thông qua môi giới?
Tiết kiệm thời gian, công sức: Thay vì bỏ công bỏ việc để tự tìm nhà, tự liên hệ, lên lịch xem nhà, thương lượng giá cả, làm thủ tục… thì việc liên hệ với môi giới sẽ giúp người mua tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, nhất là những người mua nhà lần đầu.
Dễ tìm được sản phẩm ưng ý: Môi giới có thông tin phong phú về các căn nhà đang muốn bán hoặc cho thuê nên khả năng chọn được sản phẩm theo đúng tiêu chí người mua đưa ra sẽ cao hơn. Môi giới cũng có thể đưa ra một số lời khuyên trong việc phân tích, so sánh giữa các căn nhà cũng như cân đối ngân sách để vay mượn tiền trong ngưỡng an toàn.
Hạn chế rủi ro pháp lý: Người mua nhà sẽ không thể nắm rõ các thủ tục pháp lý nhà đất như môi giới. Một môi giới chuyên nghiệp sẽ có những kiến thức cơ bản để hỗ trợ người mua kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm, hỗ trợ mọi thủ tục như hợp đồng đặt cọc, mua bán, thuế phí…
10 câu hỏi test nhanh “độ chất” của môi giới
Đa phần người mua nhà thường thông qua môi giới được người thân hoặc bạn bè giới thiệu để tăng thêm phần tin cậy. Nhưng không phải môi giới nào cũng nắm rõ thị trường ở mọi khu vực để hỗ trợ bạn. Bạn có thể kiểm tra nhanh về mức độ chuyên nghiệp và tin cậy của môi giới bằng một vài câu hỏi như sau:
- Môi giới này có phải do người thân của bạn giới thiệu không?
- Đã làm môi giới được bao lâu?
- Có chứng chỉ hành nghề môi giới không?
- Làm việc độc lập hay làm cho công ty?
- Số lượng giao dịch thành công trong một tháng khoảng bao nhiêu?
- Một số bất động sản giao dịch gần đây là gì?
- Hoạt động ở một hay nhiều khu vực?
- Có nắm rõ thị trường khu vực không?
- Có sẵn sàng cung cấp liên lạc của khách hàng gần đây của họ không?
- Bạn có dễ liên lạc với môi giới mọi lúc không?