Nhiều cặp đôi trước thời điểm tiến đến hôn nhân có mong muốn sở hữu căn nhà chung của hai người. Thế nhưng họ thường phân vân rằng liệu điều này có ảnh hưởng đến tài lộc hay trái với quy định của pháp luật hay không? Bài viết này sẽ trả lời giúp bạn câu hỏi: Có nên mua nhà trước khi cưới?
1. Tài sản trước khi cưới sẽ trở thành tài sản riêng của vợ/chồng?
Theo Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những tài sản riêng của vợ chồng bao gồm các trường hợp:
- Là tài sản được thừa kế riêng hoặc tự mỗi người có trước khi kết hôn; vợ/chồng được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ/chồng theo quy định của Luật này
- Những tài sản riêng của vợ/chồng mà lợi tức phát sinh trên loại tài sản này thì cũng là tài sản riêng (lợi tức riêng) của người đó trong thời kỳ hôn nhân (theo Khoản 1 Điều 33 và Khoản 1 Điều 40)
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cặp đôi có mong muốn sở hữu chung tài sản trước khi cưới và khi ký kết hợp đồng giao dịch thì đều được cả hai ký tên và đồng sở hữu. Trong đó, được chia làm hai loại: sở hữu chung theo từng phần và sở hữu chung hợp nhất.
- Sở hữu chung từng phần: Tài sản chung sẽ được phân chia theo phần nhất định như đã thoả thuận giữa hai bên. Vợ/chồng có thể được nhận nhiều phần tài sản hơn so với người còn lại dựa trên số liệu đã cam kết trên hợp đồng
- Sở hữu chung hợp nhất: Là tài sản chung mà cả vợ và chồng không phân định rõ lượng tài sản mà mỗi người sẽ nhận được là bao nhiêu. Khi đó, khối tài sản này chỉ có thể chia đôi hoặc không thể phân chia
Như vậy, nếu hai người cùng đứng tên trên một tài sản dù trước đó chưa từng làm giấy kết hôn thì khi một bên cá nhân muốn tự định đoạt khối tài sản này thì vẫn có sự đồng ý của đồng sở hữu.
Do đó, tuỳ theo thoả thuận của vợ và chồng hoặc ước nguyện của bản thân, nếu mua nhà trước hôn nhân thì bạn hãy đảm bảo rằng mình là cá nhân duy nhất sở hữu tài sản mà vốn dĩ thuộc về bản thân. Còn nếu trong trường hợp, tài sản đó đều do công sức của cả hai bạn làm ra và mua nó thì hãy thoả thuận cũng sở hữu. Điều này giúp cho các cặp vợ, chồng có thể tránh được những trường hợp tranh cãi về quyền sở hữu không mong muốn, dẫn đến việc mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng.
2. Vợ/chồng có quyền hưởng tài sản riêng của người còn lại hay không?
Đối với tài sản riêng của vợ, chồng thì nếu cả hai không có thoả thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Khi đó, chủ sở hữu khối tài sản riêng đó có quyền hoàn toàn tự định đoạn tài sản theo ý muốn của riêng mình. Theo Khoản 4 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của mỗi cá nhân sau khi sáp nhập mà vợ, chồng có yêu cầu phân chia tài sản thì mỗi người sẽ nhận được phần tài sản có giá trị bằng với phần mà mình đóng góp vào khối tài sản chung đó (trừ trường hợp thoả thuận khác).
Do vậy, trong thời kỳ hôn nhân nếu tài sản riêng do hai người tự tạo ra mà không có thoả thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng thì vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của người vợ hoặc chồng. Như vậy, những nội dung ở cả mục 1 và 2 đã giúp bạn giải đáp thắc mắc có nên mua nhà trước khi cưới hay không? Để hiểu hơn về các vấn đề xoay quay tài sản vợ, chồng trong hôn nhân và đời sống gia đình, xin mời quý bạn đọc theo dõi thêm những phần tiếp theo đây.
3. Khi nào thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Trong một số trường hợp khi thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu nếu nằm trong những điều:
- Vợ/chồng không chịu trách nhiệm và không tuân thủ theo điều kiện kể từ khi giao dịch có hiệu lực được quy định tại các điều luật của Luật dân sự
- Khi vi phạm về quyền bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng. Nếu vợ chồng không có tài sản chung với hoặc số tài sản chung này không đủ tiềm lực để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt, đời sống chung của gia đình thì vợ/chồng có nghĩa vụ phải đóng góp phần tài sản của mình theo khả năng kinh tế của bản thân (Điều 29, 30 Luật hôn nhân và gia đình)
- Việc thoả thuận của hai bên hoặc vợ, chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến quyền cấp dưỡng, quyền thừa kế và lợi ích hợp pháp khác của cha mẹ, con cái và những thành viên khác của gia đình thì việc thoả thuận về chế độ tài sản cũng bị xem như là không có hiệu lực thi hành
4. Những việc mà bạn cần làm trước khi mua nhà
Quyết định người đứng tên: Việc quyết định người đứng tên là vô cùng quan trọng, bởi nó xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của một người đối với tài sản đó. Do vậy, trong các giao dịch chuyển nhượng nhà ở, hai bạn nên thoả thuận cởi mở, chân thật nhất về nguyện vọng của mình đối với loại tài sản này. Hơn nữa, ngoài việc chi trả tiền cho việc thuê, mua nhà thì còn phải chịu khoản thuế đất và nhà ở. Bạn nên cân nhắc cẩn thận để tránh mâu thuẫn tài chính về sau.
Thoả thuận cùng mua nhà phù hợp với mong muốn của cả hai: Thực tế, khi các cặp đôi mới bắt đầu mối quan hệ thường rất tốt đẹp và có nhu cầu sở hữu tài sản chung. Nhưng theo thời gian không thể tránh khỏi các mâu thuẫn, tranh cãi hay thậm chí liên quan đến vấn đề tiền bạc. Vì vậy, nếu có bất kỳ thoả thuận nào liên quan đến tài sản có giá trị lớn, hai bạn nên lập thoả thuận bằng văn bản kèm theo chữ ký xác nhận của hai bên. Bạn cũng có thể liên hệ với một luật sư chung để nhờ họ tư vấn về phương án tốt nhất đều có lợi cho cả hai bên ngay cả hiện tại lẫn trong tương lai.
Cùng nhau đóng góp tài sản: Đối với các tài sản chung, nếu bạn có nhiều đóng góp hơn và có sự xác nhận của pháp luật thì khi có yêu cầu chia tài sản bạn cũng sẽ không bị mất mát gì. Trái lại, trong quá trình đóng góp tài sản, nếu có người cùng bạn đóng góp thì sẽ giúp bạn nhẹ gánh vác hơn để bạn có thể dùng khoản tiền đó để mua sắm thêm những thứ khác, hoặc đầu tư tài chính, đầu tư cho bản thân…Nhưng việc đóng góp tài sản chung này đôi khi cũng dễ xảy ra tranh chấp, do vậy trong quá trình góp tài sản thì vợ, chồng nên trao đổi rõ ràng, minh bạch với nhau. Trong các gia đình, người nào có thu nhập cao hơn thường có xu hướng đóng góp nhiều hơn, thì khối tài sản mà người đó nhận lại được khi có yêu cầu phân chia cũng sẽ tương đương với lượng tài sản mà người đó đóng góp.
Nhìn chung, việc có nên mua nhà trước khi cưới không phải là điều đáng e ngại như nhiều người lầm tưởng. Mà thực chất chỉ cần bạn hiểu rõ các quy định của pháp luật về việc sở hữu tài sản của vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình là có thể đưa ra cho mình quyết định đúng đắn nhất. Hy vọng với bài viết này của Grand House, bạn sẽ có thêm thật nhiều thông tin hữu ích!